MATCHING INFORMATION - Lý thuyết

MATCHING INFORMATION (LÝ THUYẾT)
I. Tổng quan
Dạng bài Matching information là dạng bài yêu cầu người đọc phải nối các thông tin trong các nhận định được đưa ra với thông tin được đưa ra ở một đoạn văn trong bài đọc.

Các thông tin được đưa ra trong nhận định có thể ở dạng:
  • Facts (Sự thật)
  • Descriptions (Sự miêu tả)
  • Definitions (Định nghĩa)
  • Explanations (Sự giải thích)
  • Opinions (Ý kiến)
  • Predictions (Sự phỏng đoán) 
  • Reasons (Lí do)
  • Challenges (Thách thức)
Dạng bài này kiểm tra các kỹ năng: 
  • Đọc lướt văn bản
  • Tìm kiếm thông tin cụ thể
  • Đọc chi tiết đoạn văn để tìm câu trả lời
  • Xác định từ đồng nghĩa
II. Phương pháp làm bài
  • Bước 1: Đọc yêu cầu của đề bài và đọc trước danh sách các thông tin được đưa ra.
  • Bước 2: Gạch chân các từ khóa
Đặc biệt là những từ khóa cố định như: tên, số, ngày tháng và địa điểm nếu có vì những từ này rất dễ phát hiện trong bài. Đồng thời, người đọc cũng cần nghĩ về các từ đồng nghĩa với những từ khóa này. Từ đó, giúp người đọc có thể tìm kiếm thông tin trong bài đọc một cách nhanh chóng hơn.
  • Bước 3: Đọc lướt qua nội dung của văn bản 
Việc này sẽ giúp người đọc xác định được ý chính của mỗi đoạn văn, sau đó, chúng ta nên ghi chú lại nội dung chính của mỗi đoạn bằng một vài từ bên cạnh đoạn văn.
Mặc dù các ý chính xác định có thể không phải là thông tin chúng ta cần đối chiếu, nhưng điều này sẽ giúp tìm lại các đoạn văn có liên quan đến thông tin được đưa ra nhanh hơn.
  • Bước 4: Đọc lại các thông tin được đưa ra và xác định những thông tin dễ tìm kiếm nhất.
Một số tiêu chí dưới đây có thể giúp người đọc xác định thông tin nào có thể là câu dễ tìm nhất:
- Có tên, số, địa điểm và ngày tháng.
- Có những từ khóa chính khác mà chúng ta có thể dễ dàng nhận ra trong văn bản (thuật ngữ khoa học, khái niệm, …)
- Ghi chú mà ta đã ghi bên cạnh một đoạn văn phù hợp với thông tin được hỏi
  • Bước 5: Tìm từ khóa đã gạch chân trong bài và tiến hành đọc kỹ phần văn bản có chứa từ khóa để hiểu được nội dung 
  • Bước 6: Xác định đoạn văn có chứa thông tin được hỏi và điền câu trả lời. 
Sau khi đã xác định được câu trả lời, chúng ta có thể gạch thông tin ra khỏi danh sách bằng bút chí để có thể thực hiện làm các câu còn lại một cách nhanh gọn hơn, tránh trường hợp bị rối
  • Bước 7: Lặp lại các bước trên cho đến khi hoàn thành bài.
III. Một số mẹo làm bài
1. Các câu trả lời sẽ KHÔNG xuất hiện theo thứ tự trong văn bản giống với thứ tự danh sách các thông tin được đưa ra.
2. Một số đoạn văn có thể không chứa câu trả lời, cũng như có thể chứa nhiều hơn một câu trả lời.
3. Thông thường, thông tin phù hợp sẽ xuất hiện dưới dạng một cụm từ hoặc cả câu trong bài đọc, không nhất thiết phải là một từ riêng lẻ.
4. Đọc lướt văn bản để tìm vị trí của câu trả lời, sau đó đọc chi tiết để tìm câu trả lời chính xác.
5. Tìm thông tin dễ nhất để nối trước. Thông tin dễ xác định thường sẽ nằm trong một câu chứa các từ khóa dễ tìm thấy trong văn bản như tên, số, địa điểm và ngày tháng. Bằng cách này, người đọc sẽ nắm chắc điểm của những dễ nhất và tiết kiệm được thời gian cho các câu còn lại thay vì lãng phí nhiều thời gian cho một câu hỏi khó ngay từ đầu.
6. Người đọc có thể thu hẹp các lựa chọn bằng cách loại bỏ các thông tin không phù hợp về nghĩa. Đối với một số thông tin, sẽ có những đoạn không trùng khớp vì chủ đề mà đoạn văn đó đề cập trái ngược hoặc không liên quan, vì vậy chúng ta có thể tiến hành loại bỏ.
Hoàn thành
0 bình luận